Bệnh Sỏi Mật

Bệnh sỏi mật - những vấn đề cần biết

Do thói quen ăn uống và sinh hoạt thay đổi dẫn tới sự phát triển và biến đổi của bệnh sỏi mật ngày càng phức tạp. Nếu trước kia, chủ yếu là sỏi sắc tố mật, sỏi thường nằm ở trong gan và ống mật chủ gây nhiễm khuẩn đường mật, còn sỏi túi mật chỉ chiếm 5-10%. Thì ngày nay, sỏi túi mật tăng cao chiếm tới 50% trường hợp sỏi mật, đồng thời tỷ lệ sỏi cholesterol cũng tăng cao.
1. Nguyên nhân gây bệnh sỏi mật là gì?
Bệnh sỏi mật có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên phát triển phần lớn ở tuổi 20-50, càng nhiều tuổi càng dễ bị sỏi mật. Bệnh thường gặp ở nữ giới, tỷ lệ mắc bệnh ở nữ cao hơn từ 4-6 lần so với nam giới.
Các yếu tố thuận lợi tạo sỏi cholesterol là:
- Chế độ ăn nhiều chất béo và cholesterrol
nguy-co-soi-mat
- Dùng thuốc: estrogen, thuốc clofibrate để tăng đào thải cholesterol
- Bệnh ở đoạn cuối của ruột non; xơ gan; cắt dạ dày
- Giảm co bóp của túi mật: như dùng thuốc octretide kéo dài, nuôi dưỡng lâu dài bằng đường tĩnh mạch.
Các yếu tố thuận lợi cho hình thành sỏi sắc tố mật là nhiễm khuẩn đường mật, xơ gan, vi trùng, ký sinh trùng (giun, sán…). Ở Việt Nam hay gặp nhiễm khuẩn đường mật do giun chui từ ruột lên đường mật.
2. Biểu hiện lâm sàng
Đau: Trong những trường hợp điển hình, người bệnh xuất hiện cơn đau đột ngột, đau dữ dội kiểu quặn gan, đau vùng hạ sườn phải lan lên vai phải hoặc sau lưng, đau làm người bệnh lăn lộn trên giường, cũng có thể đau làm người bệnh không dám thở mạnh. Trong trường hợp không điển hình, đau chỉ âm ỉ hoặc tức nặng ở hạ sườn phải, đau đôi khi ở vùng thượng vị và lan lên ngực. Các cơn đau thường xảy ra sau bữa ăn nhiều mỡ, khi đau có thể kèm theo nôn.
dau-do-soi-mat
Sốt: xuất hiện khi nhiễm trùng đường mật, nếu không có nhiễm trùng thì không sốt, có thể sốt cao đột ngột kèm rét run kéo dài 3 giờ; nhưng cũng có khi sốt nhẹ 37,5 – 38 độ, sốt thường đi kèm với đau, có khi sốt kéo dài.
Vàng da: Da và củng mạc mắt vàng do tắc mật, xuất hiện khi sỏi ở ống mật chủ, ống gan hoặc trong gan, tùy theo mức độ tắc mật mà vàng nhẹ hay vàng đậm. Trong trường hợp chỉ có sỏi túi mật đơn thuần thì không gây vàng da.
Rối loạn tiêu hóa: Người bệnh thấy các triệu chứng như chậm tiêu, bụng trướng hơi, sợ mỡ, táo bón hoặc tiêu chảy sau bữa ăn.
Thăm khám lâm sàng: Gan to là triệu chứng thường gặp của sỏi mật, mức độ gan to phụ thuộc vào mức độ tắc mật, sỏi túi mật không gây gan to. Tắc mật do sỏi trong ống mật chủ có thể xuất hiện túi mật to.
Để chẩn đoán đúng bệnh dựa vào triệu chứng điển hình là: đau, sốt và vàng da (được gọi là Tam chứng Charcot). Xét nghiệm có thể thấy tăng bạch cầu trong máu, bilirubin máu tăng khi có tắc mật. Siêu âm, chụp cắt lớp vi tính và chụp cộng hưởng từ rất có giá trị giúp chẩn đoán sỏi mật. Đối với sỏi túi mật, siêu âm là phương pháp ít tốn kém mà có giá trị cao trong chẩn đoán.
3. Các biến chứng của sỏi mật
Bệnh sỏi mật rất khó phát hiện sớm để có điều trị kịp thời. Vì vậy, sỏi mật gây nhiều biến chứng nặng có thể dẫn tới tử vong như: áp-xe gan - đường mật, viêm đường mật, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn đường mật, viêm phúc mạc do mật, viêm tụy cấp, chảy máu đường mật, viêm túi mật cấp tính, viêm túi mật mạn tính... Nếu ứ mật kéo dài sẽ dẫn tới xơ gan mật thứ phát.
4. Các biện pháp điều trị
Với sỏi mật nói chung, điều trị hỗ trợ bằng giảm đau và kháng sinh, can thiệp ngoại khoa khi có biến chứng.
Với sỏi túi mật:
- Dùng thuốc giúp tan sỏi, áp dụng đối với sỏi cholesterol dưới 1,5cm, tốt nhất với sỏi dưới 5 mm, thời gian dùng kéo dài 6-24 tháng. Nên kết hợp sử dụng với các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên giúp hạn chế tác dụng phụ của thuốc tây và sử dụng lâu dài an toàn
- Tán sỏi bằng bằng sóng (shock-wave therapy), làm tan sỏi trực tiếp bằng hóa chất (direct solvent dissolution)
- Cắt túi mật qua nội soi: Dùng với sỏi to, gây đau nhiều hoặc gây viêm túi mật, đây là phương pháp được dùng phổ biến hiện nay, rút ngắn thời gian nằm viện và hồi phục sức khỏe nhanh
- Cắt túi mật bằng mổ phanh: Áp dụng trong trường hợp mổ nội soi thất bại hoặc viêm mủ túi mật
Với sỏi trong gan và ống mật chủ:
- Lấy sỏi qua nội soi ngược dòng cắt cơ oddi: áp dụng với sỏi ở ống mật chủ sỏi nhỏ dưới 1,5 cm, phương pháp này giúp tránh được phẫu thuật
- Tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng
- Phẫu thuật để lấy sỏi
Tuy nhiên, một vấn đề khó khăn trong điều trị sỏi mật hiện nay là tỉ lệ tái phát sỏi sau phẫu thuật và điều trị rất cao. Vì vậy, sau khi phẫu thuật lấy sỏi cần duy trì sử dụng sản phẩm nhằm dự phòng tái phát sỏi.
5. Làm cách nào để phòng bệnh và biến chứng?
Ở nước ta, nhiễm khuẩn đường mật vẫn còn là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hình thành sỏi mật, đặc biệt là nhiễm ký sinh trùng đường mật.
Chính vì vậy cần ăn uống vệ sinh như ăn uống thức ăn đã nấu chín, tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, không nên ăn thức ăn đường phố, trẻ em hạn chế ăn quà vặt cổng trường. Đối với người có tiền sử giun chui ống mật cần tẩy giun định kỳ 2-3 lần trong một năm.
Đối với người đã có sỏi mật cần được theo dõi và điều trị kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm do sỏi mật gây ra.
Nguồn: Tinnhanh24h.vn
Mọi chi tiết xin liên hệ: PHÒNG KHÁM CHUYÊN KHOA TIÊU HÓA TRƯỜNG THỌ
60A Lê Đại Hành, P.7, Q.11
Hotline: 0904 606 202 - 093 28 28 225

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét